Cảnh báo ‘bẫy’ lừa đảo việc làm với tân sinh viên
Trong khoảng thời gian này, sinh viên các trường đại học đang tiến hành thủ tục nhập học để bước vào năm học mới. Nhiều bạn với mong muốn san sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình đã tìm đến các công việc làm thêm. Tuy vậy, không ít sinh viên đã bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ khi xin việc dẫn đến tiền mất tật mang.
Chia sẻ với Tiền Phong, bạn Lê Thị Phương Anh, sinh viên năm nhất, trường Đại học Văn Lang cho biết, sau khi nhập học, cô đọc được trên mạng thông tin tuyển dụng vị trí support content (hỗ trợ nội dung) cho một công ty truyền thông.
Theo giới thiệu của nhân viên tuyển dụng tên H, công ty nhận hỗ trợ đào tạo cho các bạn sinh viên, thậm chí cầm tay chỉ việc cho những bạn chưa có kinh nghiệm.
Sau vài tháng thử việc, thu nhập có thể lên tới 5 triệu đồng/part time (bán thời gian) và 10 triệu đồng với hình thức full time (làm việc toàn thời gian). Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ tiền ăn và tiền xăng xe cho các bạn ở xa, làm việc lâu dài sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến sau khi ra trường.
Nhiều hình lừa đảo việc làm đang khiến các sinh viên mất tiền oan |
Tuy nhiên, để ứng tuyển các ứng viên phải đóng phí đào tạo là 215.000 đồng đối với hình thức part time và 315.000 đồng đối với hình thức full time.
Vì tin tưởng lời giới thiệu hấp dẫn của nhân viên tuyển dụng và nóng lòng tìm việc làm, Phương Anh đã đồng ý đóng phí. Người này còn hẹn cô đến văn phòng công ty phỏng vấn vào ngày hôm sau nên nữ sinh càng tin tưởng.
“Nhưng hôm sau, em tìm đến địa chỉ được gửi thì phát hiện không có công ty nào như vậy. Tìm lại tin nhắn, tất cả thông tin trao đổi qua facebook cũng đã bị chị H. thu hồi, tài khoản cũng không còn tồn tại và liên hệ được”, Phương Anh ngậm ngùi đành chịu mất số tiền.
Một hình thức khiến nhiều tân sinh viên đang “sập bẫy” là chiêu dụ mua hàng online trên sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng.
Bạn Ngô Xuân Thịnh – sinh viên năm nhất, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết đã mất 56 triệu đồng khi rơi vào cái bẫy tinh vi này.
Theo đó, khi lướt mạng xã hội, Thịnh nhận được thông tin tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… với mỗi lần mua hàng sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền “hoa hồng” từ 10% đến 20% giá trị đơn hàng.
Ban đầu, với những đơn lẻ có giá trị từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng, Thịnh mua và vẫn được hoàn tiền cùng hoa hồng về tài khoản. Tuy nhiên, khi Thịnh đặt vấn đề muốn rút số tiền này về tài khoản, lập tức phía công ty tuyển dụng bảo rằng cần thực hiện thêm những đơn hàng khác để thêm tiền thưởng mới rút được.
Nhiều tân sinh viên ngậm đắng khi sập bẫy trò lừa mua hàng nhận hoa hồng qua sàn thương mại điện tử |
Ngay sau đó, tài khoản của Thịnh liên tục nhận được những đơn hàng với mệnh giá cao hơn từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. “Khi nộp đến 20 triệu đồng, em rất sốt ruột vì tiền mình cứ nộp vào mua hàng thì bị trừ thật, nhưng tiền hoa hồng lại không nhận được. Nhắn tin với nhân viên công ty, họ yêu cầu phải tiếp tục mua tiếp, nếu không toàn bộ tiền đã nạp vào mua hàng trước đó và tiền hoa hồng đều không lấy được”, Thịnh xót xa nói.
Vì toàn bộ tiền học phí và sinh hoạt bố mẹ gửi đều đã nộp vào hết, Thịnh phải vay bạn bè thêm tiền với hy vọng “mua nốt đơn hàng sẽ được công ty hoàn trả”. Số tiền cứ thế bỏ vào thêm hơn 30 triệu đồng. Khi Thịnh nài nỉ không còn tiền đóng nữa và xin công ty mở tài khoản cho phép rút tiền về, người hướng dẫn lập tức chặn liên lạc.
“Em như bị cuốn vào mê trận. Bao nhiêu tiền học phí đều bị mất sạch. Mấy hôm nay, em suy sụp không dám gọi điện về cho gia đình”, Thịnh buồn rầu chia sẻ.
Không chỉ lừa đảo việc làm thêm, nhiều tân sinh viên phản ánh về tình trạng bị nhân viên của công ty thực tập mượn thông tin làm thẻ tín dụng ngân hàng và sau đó rút hết tiền trong đó.
Không có sinh nhật trong tháng này.